Một mùa hè mở ra nhưng dịch bệnh ngăn cản những chuyến du lịch, về quê hoặc di chuyển. Các cha mẹ ngay lập tức phải nghĩ tới những giải pháp để con em có thể vừa học và chơi tại nhà.

Tăng nhu cầu học online ở trẻ em

“Con trai đang xem gì đấy? Kể mẹ nghe với nào?” là những câu hỏi chị Lan Phương, nhà ở đường Nguyễn Văn Thương, thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi với cậu con trai lớp 3 vào mỗi tối trong ngày. 

Việc dừng học ở trường và cả trung tâm Anh ngữ khiến chị Phương quyết định bỏ ra một khoản chi phí để mua một chương trình bản quyền trên Youtube. Vì đã khá quen với sử dụng thiết bị thông minh nên cậu con trai không gặp khó khăn gì trong việc thao tác.

“Các chương trình vui học thông qua các nền tảng online nếu được sử dụng nghiêm túc thì hiệu quả và hấp dẫn không kém gì phương thức trực tiếp truyền thống. Tuy nhiên, phụ huynh sẽ phải vất vả hơn, dành nhiều thời gian để học và chơi cùng con thì mới tránh được việc trẻ thiếu sự giao tiếp và bị lôi cuốn quá mức vào những hành động, chi tiết trên màn hình”- chị Phương chia sẻ.

Những phụ huynh bỏ tiền mua khóa học trên mạng cho con giờ không phải hiếm. Nhưng phổ biến hơn vẫn là các gia đình “thả lỏng” cho con tiếp cận các nội dung giải trí, học tập miễn phí trên mạng. Nhược điểm của các chương trình miễn phí là thường chèn quảng cáo hay việc hiển thị liên tục những chương trình khác khiến việc tập trung của các em rất khó khăn. Chỉ cần nhấn nút, lập tức chuyển kênh và việc học có thể bị sao nhãng.

Không nên “thả” con với các sản phẩm giáo dục trực tuyến

Sự bùng nổ của những thiết bị nghe nhìn kết nối internet kéo theo nhiều nền tảng cung cấp tri thức đa dạng. Trong số đó, Youtube lâu nay được xem như một kênh thông tin, giải trí, giáo dục khổng lồ thu hút lượng truy cập đông đảo mà trẻ em. Ở Việt Nam, có khoảng 10 kênh được cho là dành cho thanh thiếu nhi được đăng ký sử dụng.

Tuy nhiên, theo bà Đậu Thúy Hà, Giám đốc điều hành của OMT, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp cho giáo dục trực tuyến, việc giám sát từ phụ huynh lâu nay mới chỉ dừng ở góc độ cơ học, cụ thể là thời gian sử dụng nhằm tránh việc trẻ bị phụ thuộc màn hình thiết bị nghe nhìn. Còn việc các video này có nguy cơ chứa những nội dung độc hại thì phụ huynh không biết hoặc chưa quan tâm.

Bà Đậu Thúy Hà chia sẻ kinh nghiệm cùng cha mẹ về câu chuyện chuyển đổi số cho phụ huynh

Giải pháp chọn trả phí cho những chương trình được khẳng định mang tính giáo dục cũng được nhiều cha mẹ chọn nhằm yên tâm hơn trong chất lượng cũng như để con được học mà chơi trong mùa hè- mùa dịch. Tuy nhiên, theo bà Hà, phụ huynh cần lưu ý, lựa chọn để mua chương trình nào cũng cần trực tiếp xem, nghe để thẩm định thay vì nghe quảng cáo hoặc nghe từ người nổi tiếng, hàng xóm, bạn bè. “Không phải cứ tốt với con người khác thì tốt với con mình” – bà Hà nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, việc đồng hành với con rất quan trọng, vừa tăng mối đoàn kết giữa các thành viên, thúc đẩy trẻ giao tiếp sau một ngày hầu như ở nhà một mình và kịp thời điều chỉnh những tác động xấu từ các chương trình chưa phù hợp nếu có. Tài nguyên trực tuyến ngày càng giàu có và đa dạng đòi hỏi phụ huynh cần đầu tư không chỉ tiền bạc mà cả công sức để khai thác hiệu quả.

Sách trực tuyến cho trẻ sẽ là xu hướng

Hiện nay, cùng với sách in truyền thống thì những bản sách điện tử ngày càng cập nhật, bắt mắt và đa dạng, tích hợp nhiều tri thức nhà trường, khoa học và giải trí.

Tháng 4/2021, với sự hỗ trợ từ Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF )Việt Nam, dự án ứng dụng đọc sách cho trẻ em UMBALENA ra mắt bộ sách “Khám phá thế giới” với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR hoàn toàn miễn phí mới được triển khai.

Bà Lê Thị Cẩm Trinh, công ty VOOC Technology, đơn vị thực hiện dự án ứng dụng đọc sách cho trẻ em UMBALENA cho biết, đọc sách với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ giúp trẻ nhỏ từ 2 đến 7 tuổi trải nghiệm trực quan và hiệu quả bởi nội dung sách trực tuyến sinh động, thú vị. Sau mỗi cuốn sách đều có phần câu hỏi đọc hiểu để các em tương tác và kiểm tra kiến thức. Theo bà Cẩm Trinh, sách trực tuyến dành cho trẻ cũng sẽ rất phát triển trong tương lai gần.

Công nghệ giáo dục trực tuyến đang trở thành xu thế tất yếu đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội. Đây là cơ hội với các đơn vị làm nội dung nếu đầu tư nghiên cứu và nghiêm túc với những chương trình tích hợp học tập và giải trí phù hợp từng lứa tuổi. Cùng đó, phụ huynh cần là người đồng hành và lường trước những nguy cơ có thể xảy đến với con em mình.

Hiện nay, ngay cả các giáo viên bậc mầm non cũng cần trau dồi kiến thức và trang bị thêm cho mình những kỹ năng công nghệ thông tin để áp dụng vào công tác giảng dạy cho trẻ em. Vừa qua, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương – đơn vị đi đầu trong đào tạo Giáo dục mầm non, đã khởi động dự án Kidskills và tổ chức Webinar: “‘EQ & Child Development’ – EQ và sự phát triển của trẻ mầm non” để giúp giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Kidskills – WEBINAR “EQ & Child Development” – EQ và sự phát triển của trẻ mầm non

Mời các bạn bấm nút nghe chuyên gia trao đổi kinh nghiệm cho phụ huynh trong việc đồng hành cùng con học tập và giải trí trên nền tảng trực tuyến:

Nguồn: Theo Ý Dịu, VOV2



Cloud-based education management platform

Cloud-based education management platform

Vui lòng đê lại thông tin, tư vấn viên của chúng tôi sẽ  liên hệ trong thời gian sớm nhất.

Chân thành cảm ơn!