(VOV) – Kinh tế thế giới suy giảm đã ảnh hưởng rõ nét đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2008 và tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu tháng 1/2009.

Gạo là mặt hàng duy nhất tăng cả về lượng và giá

 Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2009, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước (tương đương với 1,2 tỷ USD) và giảm 18,6% so với tháng 12/2008. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,1 tỷ USD, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 27,6% so với tháng 12/2008.

Kim ngạch xuất khẩu giảm do giảm cả giá và lượng. Giá xuất khẩu của tất cả các mặt hàng tiếp tục giảm sâu là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.

Đối mặt khó khăn

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tháng 1 giảm là do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm đã làm cho các ngành như dệt may, hàng điện tử, sản phẩm gỗ… gặp khó khăn trong ký kết hợp đồng mới. Thanh toán gặp khó khăn nên các doanh nghiệp thận trọng trong ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó kinh tế thế giới suy thoái đã khiến cho tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khó khăn trong khâu tìm đầu ra.

Mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam là dầu thô nhưng giá dầu thế giới giảm, tình hình thế giới có nhiều biến động nên việc tìm kiếm khách hàng cũng rất khó khăn. Lượng xuất khẩu dầu thô tăng 12,7% nhưng trị giá giảm 52,4%.

Các mặt hàng nông sản khác như cà phê, nhân điều, chè lượng xuất khẩu giảm khoảng từ 20-30% và giá xuất khẩu giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, hàng điện tử linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa… kim ngạch xuất khẩu đều giảm từ 20 – 30%.

Mặt hàng thuỷ sản, giá giảm kéo dài đã không khuyến khích nông dân nuôi tôm xuất khẩu làm nguồn xuất khẩu hạn chế. Trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới thu hẹp, cộng thêm với việc Nga ngừng nhập khẩu cá tra của Việt Nam, các nước thì tăng cường dùng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước càng làm cho xuất khẩu thủy sản khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vào quý đầu mọi năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt từ 650-700 triệu USD. Tuy nhiên, năm nay con số này giảm mạnh, ước đạt 200 triệu USD. Nguyên nhân theo ông Quyền là do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, trong khi đó các thị trường xuất khẩu chủ lực ngày càng thu hẹp và việc xúc tiến tìm kiếm thị trường mới không dễ dàng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng năm 2009 là năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp thủy sản; dự báo, kim ngạch xuất khẩu giảm 15-20%.

Gạo là mặt hàng duy nhất tăng cả về lượng và giá

Do nhu cầu nhập khẩu từ nhiều nước tăng, duy nhất mặt hàng gạo đang tăng mạnh cả về lượng và trị giá (lượng tăng 229% và trị giá tăng 254%).

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, trong tuần cuối tháng 1/2009, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20 USD so với tháng trước.

Một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu với giá rất hấp dẫn như gạo 5% tấm giá 500 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 400 USD/tấn, FOB.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang bốc xuống tàu 500.000 tấn gạo để giao hàng trong tháng 2 và 3/2009 cho Philippines. Đây là đợt giao hàng đầu tiên trong tổng số lượng 1,5 triệu tấn gạo cả năm 2009 mà Việt Nam đã ký với Philippines.

Hiện nay đã có khá nhiều khách hàng từ châu Phi, Singapore… đặt hàng mua gạo Việt Nam.

Dự kiến năm 2009, Việt Nam xuất khẩu từ 4,5 triệu đến 5 triệu tấn gạo, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ xuất khẩu khoảng 2,8 triệu tấn, riêng 2 tháng đầu năm 2009 sẽ xuất khẩu 900.000 tấn.

Khó hoàn thành mục tiêu

Với mức kim ngạch xuất khẩu của cả nước ngay trong tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 tỉ USD, theo các chuyên gia dự báo thì mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu  72 tỷ USD (tăng 13% so với năm 2008) trong cả năm đã được Quốc hội thông qua là rất khó đạt.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, xuất khẩu suy giảm là hệ quả tất yếu khi kinh tế thế giới khó khăn, tổng cầu hàng hóa giảm dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với suy giảm kép: giảm cả về khối lượng lẫn giá cả.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển phân tích: “Trong năm 2008, giá cả các loại hàng hóa tăng mạnh, trong khi những biến động kinh tế thế giới chưa tác động nhiều đến việc xuất nhập khẩu, song tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 64 tỷ USD. Hiện xuất khẩu của Việt Nam đang chịu tác động của suy giảm kép: giá giảm, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước bị thu hẹp nên đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 13% là rất khó”.

Đặc biệt, giá nhiều mặt hàng chủ lực sẽ ở mức thấp so với năm 2008. Dự báo, kim ngạch nhóm này đạt khoảng 12,23 tỷ USD, giảm 628 triệu USD so với năm 2008.

Do kim ngạch 2 nhóm hàng nông lâm thủy sản và khoáng sản dự kiến sẽ giảm khoảng 6,6 tỷ USD nên xuất khẩu năm 2009 được kỳ vọng nhiều vào nhóm hàng công nghiệp chế biến, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng xuất khẩu của dệt may phải ở mức 11,5 tỷ USD, giầy dép 5,1 tỷ USD, hàng điện tử và linh kiện máy tính 4,1 tỷ USD, sản phẩm gỗ 3 tỷ USD… Tuy nhiên, bài toán khó cho tăng trưởng xuất khẩu là trước tình thế rất khó khăn thì rất nhiều ngành hàng lại nhận chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn mức mà Bộ Công Thương đề ra.

Theo tính toán của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas: “Năm 2009, mục tiêu của ngành dệt may chủ yếu là ổn định công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động chứ không thể nói trước sẽ tăng trưởng bao nhiêu. Toàn ngành sẽ phấn đấu giữ vững, cố gắng đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008, chứ không thể tăng trưởng 13% như Bộ Công thương đề ra”.

Ngay những ngày đầu năm 2009, ngành dệt may đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong nước, sản phẩm quần áo may sẵn của Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của Trung Quốc với giá bán thấp và việc tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Vì vậy, lượng sản xuất cũng như tiêu thụ hàng Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán giảm đáng kể.

Sản phẩm quần áo người lớn tháng 1 chỉ bằng 94,1% so với cùng kỳ. Đối với sản xuất hàng xuất khẩu, do đơn hàng bị cắt giảm mạnh nên một số doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An… phải đóng cửa. Dự kiến năm 2009, thị trường Mỹ sẽ giảm nhập khẩu trên 15% hàng dệt may; Giá hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chính dự kiến giảm trên 20%. Vì vậy, để giảm rủi ro từ việc phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, các doanh nghiệp sẽ hướng tới các thị trường phi truyền thống như Trung Đông, Đông Âu, châu Phi đồng thời, chú trọng xây dựng chuỗi bán lẻ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với sản phẩm phổ thông và sản phẩm cao cấp.

Để tháo gỡ những khó khăn của ngành, các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ xin hỗ trợ: trích 1% kim ngạch xuất khẩu để giải quyết khó khăn tài chính cho người lao động trong các xí nghiệp dệt may đang gặp khó khăn và có nguy cơ đóng cửa (kiến nghị này dành cho các doanh nghiệp có thành tích trong xuất khẩu); hỗ trợ doanh nghiệp từ ngân sách bằng cách bù lãi suất vay ngân hàng; hỗ trợ trị giá khoảng 50 tỷ đồng dùng cho hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản Việt Nam dự báo năm 2009, khoảng 20% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản rơi vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30% doanh nghiệp ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn.

Đại diện VASEP cũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2009 chỉ hy vọng đạt khoảng 4,5 tỷ USD, thấp hơn so với mức 5,3 tỷ USD của Bộ Công Thương giao.

Nhập siêu bằng số lẻ cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa mới công bố, nhập siêu tháng 1/2009 ước khoảng 300 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu 2,3 tỷ USD của tháng 1/2008. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, nhập siêu ở mức dưới 1 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2009 ước tính đạt 3,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01/2009 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, giảm 27,6% so với tháng trước và giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2008.

Bộ Công Thương cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu giảm cả về lượng và trị giá ở tất cả các mặt hàng, thậm chí giảm sâu đối với một số mặt hàng như ô tô nguyên chiếc, thép, phôi thép, xăng dầu…

Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng hoá tiêu dùng và xuất khẩu giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, việc ký kết hợp đồng mới khó khăn, sản xuất chững lại dẫn đến nhập khẩu nguyên liệu giảm.

Nhóm các mặt hàng tiêu dùng theo quy luật những năm trước thường tăng mạnh do các doanh nghiệp nhập khẩu hàng phục vụ tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay do nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội giảm nên nhập khẩu nhóm này cũng giảm./.

Đặng Khanh (Tổng hợp)


TAGS:

Cloud-based education management platform

<