Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin” trình Chính phủ trong thời gian tới.

Việt Nam liệu có trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin hay không, và khi đó nền công nghệ thông tin, đời sống xã hội sẽ như thế nào?

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về công nghệ thông tin, đồng thời là Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin.

Theo ông, đề án trên sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ngành viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam trong tương lai?

Theo tôi, đánh giá ý nghĩa của đề án này cần xác định tới 5 điểm sau:

Thứ nhất là phải có hạ tầng mạnh. Hạ tầng đáp ứng, cung cấp được mọi loại dịch vụ cả viễn thông, Internet, công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ mới khác, đồng thời đảm bảo độ an toàn, bí mật, tính cá thể của đối tượng tham gia vào mạng Internet, viễn thông.

Thứ hai là tạo ra nguồn nhân lực, cả người sử dụng và người làm việc trong lĩnh vực này. Cụ thể, toàn dân dùng công nghệ thông tin thì toàn dân phải có kiến thức tối thiểu về công nghệ thông tin, phải biết sử dụng Internet. Lực lượng làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin có trình độ, khả năng sáng tạo và thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Thứ ba là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trở nên phổ biến cho toàn dân, toàn doanh nghiệp trong mọi mặt lĩnh vực của đời sống và là công cụ cho mọi hoạt động kinh tế – xã hội.

Thứ tư là phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, trên cơ sở lợi dụng phân công lao động, chuyển giao công nghệ quốc tế. Tuy nhiên, làm sao phải có sản phẩm của Việt Nam, không chỉ cung cấp cho Việt Nam mà phải có sản phẩm xuất khẩu.

Và cuối cùng là tạo lập thị trường, trong đó chúng ta phải tạo ra động lực mạnh cho công nghệ thông tin phát triển. Thị trường này phản ánh tốc độ tăng trưởng và đóng góp của công nghệ thông tin vào GDP của quốc gia.

Hiện trình độ phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam đang ở giai đoạn như thế nào, thưa ông

Hiện nền công nghệ thông tin của Việt Nam đang thuộc loại trung bình yếu, phải vượt trung bình khá và đến khá thì mới là nước mạnh được. Cả thế giới có 200 nước thì mình phải vào hàng 40 – 50 gì đó, vì hiện Việt Nam đang đứng thứ hạng 92 trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đối với 154 nước được xem xét.

Những năm qua, sự phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam tương đối nhanh nhưng còn khoảng cách rất xa so với những nước có nền công nghệ thông tin phát triển. Vấn đề nhân lực cũng chưa đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tuy đã có diện rộng nhưng chiều sâu và hiệu quả chưa thể hiện được rõ.

Đặc biệt, công nghiệp công nghệ thông tin chủ yếu là của nước ngoài, chưa có sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Tổng doanh số trong ngành công nghiệp này của doanh nghiệp Việt chiếm không đáng kể.

Trên thực tế, từ lâu Nhà nước đã coi trọng và ưu tiên tạo chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin?

Đúng là chúng ta đã có những ý tưởng tốt, chủ trương hay về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng, khi cụ thể hóa vào triển khai thì còn thiếu một giải pháp đồng bộ quốc gia. Riêng hạng mục “công nghệ thông tin” còn chưa có trong danh mục ngân sách, bao nhiêu năm vẫn thống kê là “giao thông và bưu điện”.

Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ và chưa có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thông tin. Thậm chí ngay những doanh nghiệp làm viễn thông đầu tư vào công nghiệp công nghệ thông tin cũng ít. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư công nghệ thông tin để tạo ra những sản phẩm chất lượng, để tiết kiệm chi phí, tạo năng suất cao, sản phẩm mới cũng rất ít. Như thế thì làm sao mà phát triển mạnh được.

Được biết trong đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông có đưa ra một số tiêu chí như đến giai đoạn 2015 – 2020, Việt Nam sẽ phải là một trong 70 nước phát triển công nghệ thông tin  và viễn thông hàng đầu thế giới, sẽ hình thành một số doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin có quy mô quốc tế, đạt doanh thu trên 15 tỷ USD…. Theo ông, những tiêu chí này có chứng minh được Việt Nam là đất nước phát triển mạnh về công nghệ thông tin hay không?

Những tiêu chí đó nếu gọi là tổng quan thì hoàn toàn được, nhưng mình phải cụ thể ra. Như công nghiệp công nghệ thông tin chẳng hạn, ví dụ năm 2007, ngành này đạt được 4,5 tỷ USD nhưng của mình chỉ được mấy trăm triệu còn là của “ông Tây” hết. Tuy doanh số lớn nhưng chưa phải mạnh, phải cụ thể hóa các doanh số phần mềm trong nước, xuất khẩu là bao nhiêu, đặc biệt trước mắt nếu đáp ứng được nhu cầu thị trường để tránh nhập khẩu thì rất tốt.

Ngoài ra, theo tôi, mỗi sản phẩm của cá nhân có thể có thương hiệu quốc gia nhưng để có được thương hiệu quốc gia thì quốc gia phải chú ý, phải quan tâm đến và chăm lo cho sản phẩm đấy. Vì thế, để có một sản phẩm Việt Nam thì việc nghiên cứu cơ bản là rất quan trọng, và đất nước phải tạo điều kiện để phát triển, sử dụng tài năng đó. Tài năng, sáng kiến mà không có điều kiện thì sẽ khó có thể làm được việc lớn.

Theo hình dung của ông, khi Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin như trong đề án thì  nền công nghệ thông tin và đời sống xã hội sẽ như thế nào?

Đến thời điểm năm 2020, về định tính, mọi người dân có thể gần gũi với máy tính như máy điện thoại hiện nay và làm quen với sự hội tụ công nghệ viễn thông, Internet và truyền hình trên màn máy tính và máy thu hình. Thông tin có mọi lúc, mọi nơi và theo ý muốn, bất kỳ là cố định, di động, Intetnet …; tốc độ trao đổi nhanh, công nghệ băng rộng 100% và thông tin cá nhân được đảm bảo bí mật…

Mọi ngành mọi cấp, mỗi một doanh nghiệp sẽ thấy công nghệ thông tin là công cụ không thể thiếu được. Năm 2010 mình đưa Internet vào dạy cho mẫu giáo nên tính phổ cập sẽ rất cao.

Bây giờ cái cần tập trung là công nghiệp công nghệ thông tin để làm sao có nhiều sản phẩm được mình sản xuất ra. Trí tuệ Việt Nam trong các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin  phải đậm nét hơn. Những nhánh công nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin nhiều phải thực sự trở thành ngành công nghiệp.

Khi đó, nhờ công nghệ thông tin phát triển nên sẽ có nhiều hình thức kinh doanh ra đời. Có thể hình dung: công nghệ thông tin + 1 loại dịch vụ sẽ cho ra một doanh nghiệp kinh doanh mới, và bản thân dịch vụ công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành ngành công nghiệp.

Còn về định lượng, doanh số đóng góp GDP của ngành công nghệ thông tin phấn đấu khoảng cỡ 1/4- 1/5 của GDP thì đạt ngang với các nước có nền công nghệ thông tin phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông, theo cá nhân ông cần có những giải pháp đột phá như thế nào?

Theo tôi, vẫn là tập trung vào nhân lực, đào tạo, vì chỉ có nhân lực cao công nghệ thông tin mới tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây chính là khâu đột phá. Ta phải tính chi li từ nay đến năm 2020 Việt Nam cần số lượng nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin là bao nhiêu và họ sẽ tạo ra bao nhiêu giá trị sản lượng cho đất nước.

Thứ hai là phải coi trọng phát triển thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Chúng ta cần có một chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại cho công nghệ thông tin.

Đồng thời là những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách để thực sự cuốn hút doanh nghiệp, hăng hái đầu tư, phát triển công nghệ thông tin.

Nguồn: VNEconomy


TAGS:

Cloud-based education management platform

Cloud-based education management platform

Vui lòng đê lại thông tin, tư vấn viên của chúng tôi sẽ  liên hệ trong thời gian sớm nhất.

Chân thành cảm ơn!