banner tieng anh

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, OMT xin chia sẻ một số suy ngẫm của anh Ngô Trung Việt – người chủ trì biên dịch blog http://science-technology.vn về hình mẫu người thầy trong xã hội tri thức hiện đại.


Xã hội tri thức

Sang thế kỉ 21, thế giới đang chuyển mình từ xã hội công nghiệp sang xã hội tri thức. Nền tảng của bước chuyển này là việc công nghệ và công nghiệp phát triển nhanh đã cung cấp sức mạnh xử lí và truyền thông vào tay từng người, tạo sự kết nối mọi người và mọi nguồn tri thức qua Internet.

Các hoạt động kinh tế và xã hội ngày nay đã phát triển và phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người với nhiều chuyên môn khác nhau để tạo ra sản phẩm và tri thức mới. Như vậy riêng đối với mỗi người trong xã hội, đòi hỏi của thời đại là ngoài việc làm chủ các tri thức và kĩ năng cá nhân cần thiết, họ phải biết cộng tác, phối hợp, và ở mức độ nào đó phải biết cả lãnh đạo và quản lí hoạt động của nhiều người khác.

Thay đổi giáo dục

Từ những đòi hỏi về con người mới với những phẩm chất mới đáp ứng cho sự phát triển của xã hội tri thức, rõ ràng hệ thống giáo dục của xã hội cũng cần phải trải qua những thay đổi cách mạng thì mới đáp ứng được cho đòi hỏi của hiện tại và tương lai.
Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi từ việc giáo dục đào tạo dựa chính vào giảng dạy của thầy sang giáo dục và đào tạo dựa vào việc học và phát triển kĩ năng của người học. Vai trò của người thầy chuyển từ giảng dạy sang hướng dẫn, tổ chức học tập của người học trên nền tảng công nghệ. Các tri thức có thể được truyền tải qua thầy trước đây nay có thể được truyền tải qua thiết bị công nghệ như video, lớp học trực tuyến, diễn đàn, …

Các kĩ năng sử dụng công nghệ, kĩ năng tương tác và cộng tác giữa con người chỉ có thể được phát triển qua làm việc theo tổ nhóm, thảo luận trên lớp, theo hướng dẫn và kèm cặp của người thầy. Điểm nút chính của việc học trong thời đại mới là: khuyến khích và tạo động lực cho người học tự học tập tri thức mới.

Người thầy trong xã hội tri thức

Khi có định hướng đúng về giáo dục đào tạo cho mọi người trong xã hội tri thức, điều căn bản quyết định thành công của công cuộc giáo dục đào tạo là việc hình thành nên đội ngũ những người thầy mới cho xã hội tri thức. Ngoài việc thừa nhận người thầy tri thức lớn hiện diện trên Internet, người thầy trong xã hội tri thức cũng mang những phẩm chất mới cần được phát triển.

Thầy là người yêu mến học trò

Người thầy trong mọi thời đại đều là người yêu mến các thế hệ trẻ và cố gắng hết sức để truyền thụ và gây dựng những con người mới bằng cả cuộc sống, tình yêu, tri thức và hiểu biết của mình. Việc giáo dục của thầy là thông qua dạy về thế giới xung quanh để đưa học trò tới hiểu con người, hiểu bản thân mình và tiến tới cuộc sống đích thực, gắn mình với sự phát triển của mọi người, gia đình và xã hội. Hơn bao giờ hết việc phát triển con người có trách nhiệm với gia đình, xã hội, cộng đồng và với bản thân mình là cực kì quan trọng trong các xã hội tri thức, nơi mà công nghệ và tri thức đã làm tăng năng lực xử lí và điều khiển của con người đối với toàn xã hội cũng như môi trường.

Thầy mang biểu tượng văn hoá dân tộc

nguoi-thay-trong-xa-hoi-tri-thuc-1

Với một nước có truyền thống học hỏi, tôn sư trọng đạo, trọng nghĩa tình và có truyền thống gia đình, làng mạc như Việt Nam, người thầy đóng vai trò rất lớn trong việc chuyển tải các giá trị văn hoá của dân tộc cho các thế hệ trẻ. Mặc dù xu hướng công nghệ và hiện đại đang chiếm ưu thế trên thế giới, việc có những người thầy sống và thể hiện các giá trị văn hoá dân tộc sẽ có ảnh hưởng tốt lên nhiều người trẻ và làm do truyền thống văn hoá cổ này tiếp tục phát triển.

Thầy am hiểu tiến bộ công nghệ

Trong thời đại tri thức, người thầy cần là người nắm được các tiến bộ công nghệ mới để có thể hướng dẫn các thế hệ trẻ sử dụng và thích nghi được với công nghệ trong xã hội hiện đại. Đây là một đòi hỏi lớn để các người thầy phải thường xuyên học hỏi và làm chủ các tiến bộ mới. Xu hướng thông thường là các thế hệ trẻ thường tiếp xúc và tiếp thu công nghệ mới nhiều khi nhanh hơn các thầy cô giáo.

Thầy giúp định hướng nghề nghiệp

Một vấn đề lớn với những người trẻ là họ cần có nhiều sự giúp đỡ từ phía người thầy là việc định hướng cuộc đời, định hướng nghề nghiệp và định hướng học tập. Người thầy trong thời đại tri thức là người cung cấp những lời khuyên và chỉ bảo, để người học có thể ý thức và thực hiện việc lập kế hoạch cho cuộc đời của mình, cho nghề nghiệp lâu dài nói chung và cho việc học tập nói riêng. Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành nên con người tri thức, người hiểu hoàn cảnh quanh mình theo nhiều chiều và biết tìm cách đạt tới các mục đích của mình.

Thầy giúp phát triển kĩ năng

Người thầy hiện đại không chỉ dạy về tri thức, mà còn phải tập trung phát triển phương pháp học tập, các kĩ năng mới cho người học. Những kĩ năng tìm tri thức trên mạng, kĩ năng cộng tác học tập qua mạng, kĩ năng làm việc trong tổ nhóm… trở thành yêu cầu quan trọng trong đào tạo để qua đó người học có thể tự mình thu được thêm các tri thức mới. Người thầy phải hướng dẫn cho người học xây dựng kĩ năng đọc tài liệu, hiểu và tóm tắt tài liệu, trình bày tài liệu, trao đổi và thảo luận các vấn đề phát sinh,… Tất cả những hoạt động phát triển kĩ năng này đòi hỏi người thầy phải biết cách tổ chức và phát triển môi trường học tập mới dựa trên công nghệ.

Thầy ở mọi nơi

Việc học tập ngày nay diễn ra không chỉ trong các nhà trường mà trong mọi cơ quan, doanh nghiệp, đời sống… Người học không chỉ giới hạn trong học sinh, sinh viên trong trường phổ thông hay đại học, mà là tất cả mọi người học mọi nơi mọi lúc để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ. Xã hội tri thức phát triển không ngừng về tri thức dựa trên nền công nghệ thay đổi thường xuyên, không ai có thể dừng lại nếu không muốn bị tụt lại sau.

Người thầy thực bao giờ cũng được cần tới trong việc cung cấp kinh nghiệm và kĩ năng làm việc. Thầy trong thời tri thức không nhất thiết là người giảng dạy trong nhà trường,  mà có thể là mọi người có kinh nghiệm trong mọi hoạt động sản xuất và cuộc sống. Riêng trong doanh nghiệp và tổ chức, những người lãnh đạo và quản lí hiện đang kiêm thêm vai trò người thầy kèm cặp và huấn luyện cho nhân viên của mình, nhất là các nhân viên mới, học về cách hoạt động đồng bộ trong các doanh nghiệp, tổ chức.

Thầy trong công nghệ

 

nguoi-thay-trong-xa-hoi-tri-thuc-2


Cả mạng Internet với kho tri thức khổng lồ mà loài người đã đưa lên đó, được coi là người thầy toàn năng về các loại tri thức, rất hữu hiệu cho việc học tri thức mới.

Tôi xin nhắc đến hai người thầy, thuộc hai thế hệ, nhưng đều là hình mẫu người thầy trong công nghệ. Một người là người thầy trẻ Lê Văn Thuận – giáo viên toán trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, người đã tự bỏ tiền túi xây dựng dự án http://baigiangtructuyen.vn cung cấp tri thức trực tuyến miễn phí cho học sinh phổ thông toàn quốc. Người kia là một người thầy được nhiều thế hệ kính trọng – Giáo sư John Vũ, chuyên gia hàng đầu của ngành công nghệ phần mềm thế giới, người chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, tâm huyết của mình với các thế hệ người học trên blog http://science-technology.vn.
Các khóa học trực tuyến mở dành cho đại chúng (MOOC) ngày nay đã giúp khái niệm người thầy không còn bị bó hẹp vào những người thầy cụ thể, gần gũi về mặt vật lí với chúng ta, mà còn là những người ở cách xa vạn dặm những tri thức truyền trao là không biên giới.

Hãy là người thầy của chính mình và hơn thế nữa

 

nguoi-thay-trong-xa-hoi-tri-thuc-3

Thầy bên ngoài chỉ hướng dẫn để cho người thầy bên trong phát triển và định hướng cho người ta phát triển trong cả đời. Mỗi người lúc đó sẽ tự định hướng cuộc đời, định hướng nghề nghiệp và định hướng việc bám sát theo tiến bộ công nghệ để học cả đời và ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Không chỉ là hữu ích cho xã hội, cho gia đình, cho bạn bè, mà chính người ta sẽ hữu ích cho con đường phát triển tâm thức của riêng mình. Hơn thế nữa, khi người ta trở thành thầy cho chính mình, chính việc đó lại mở rộng ra bên ngoài để người ta trở thành thầy giúp đỡ cho mọi người quanh mình.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc đội ngũ những người thầy mới cho xã hội tri thức của chúng ta ngày càng đông đảo, vững mạnh!

Ngô Trung Việt

Bài viết được đăng trên Bản tin Lãnh đạo và Thay đổi số 9


TAGS:

Cloud-based education management platform