MÔ HÌNH FLIPPED CLASSROOM (LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC) THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN GIÁO DỤC
25/06/2020
Chia sẻ bài viết
Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) là mô hình giáo dục tiên tiến được ứng dụng dựa trên sự phát triển của công nghệ eLearning và phương pháp đào tạo hiện đại.
Đi đến trường, lắng nghe thầy cô giảng bài rồi trở về nhà làm bài tập… Hàng trăm năm nay đó là cách học của học sinh.
Theo mô hình lớp học đảo ngược, học sinh xem các bài giảng ở nhà qua mạng. Giờ học ở lớp sẽ dành cho các hoạt động hợp tác giúp củng cố thêm các khái niệm đã tìm hiểu.
Học sinh sẽ chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết hơn, các em có thể tiếp cận video bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần (điều này là không thể nếu nghe giáo viên giảng dạy trên lớp). Công nghệ eLearning giúp học sinh hiểu kỹ hơn về lý thuyết từ đó sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, bài tập nâng cao tại giờ học của lớp.
Điều này giúp việc học tập hiệu quả hơn, giúp người học tự tin hơn.
Lớp học đảo ngược khiến việc giảng dạy phải lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở lớp được dành để khám phá các chủ đề sâu hơn và tạo ra những cơ hội học tập thú vị. Những video giáo dục trực tuyến được thiết kế để truyền tải nội dung tập trung vào lý thuyết. Ngoài ra, nội dung của lớp học đảo ngược có thể xây dựng ở nhiều hình thức khác nhau (thậm chí có thể sử dụng nội dung của đơn vị cung cấp phía ngoài).
Lớp học đảo ngược cho phép giáo viên dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân học sinh chưa hiểu kỹ bài giảng . Và tại lớp học, học sinh có thể chủ động làm chủ các cuộc thảo luận.
Phương pháp lớp học đảo ngược này có tính khả thi cao đối với học sinh có khả năng tự học, có kỷ luật và ý chí. Hiệu quả của phương pháp đã được kiểm chứng từ lâu ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển mạnh mẽ như Australia, Mỹ và các nước châu Âu…
Ở lớp học cổ điển, học sinh đến trường ngồi nghe giảng bài thụ động và hình thức này được giới chuyên môn gọi là Low thinking. Sau đó các em về nhà làm bài tập và quá trình làm bài tập sẽ khó khăn nếu học sinh không hiểu bài. Lúc này cha mẹ các em sẽ phải đóng vai người thầy bất đắc dĩ để giúp con mình làm bài và hầu hết đều không thành công trong vai trò này, hoặc rất vất vả vì phụ huynh không có chuyên môn.
Như vậy, nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mới thuộc người thầy, và theo thang tư duy Bloom thì nhiệm vụ này chỉ ở những bậc thấp (tức là “Biết” và “Hiểu”). Còn nhiệm vụ của học sinh là làm bài tập vận dụng và nhiệm vụ này thuộc bậc cao của thang tư duy (bao gồm “Ứng dụng”, “Phân tích”, “Tổng hợp” và “Đánh giá”). Điều trở ngại ở đây đó là nhiệm vụ bậc cao lại do học sinh và phụ huynh là những người không có chuyên môn đảm nhận.
Với lớp học đảo ngược, việc tìm hiểu kiến thức được định hướng bởi người thầy (thông qua những giáo trình eLearning đã được giáo viên chuẩn bị trước cùng thông tin do học sinh tự tìm kiếm), nhiệm vụ của học sinh là tự học kiến thức mới này và làm bài tập mức thấp ở nhà. Sau đó vào lớp các em được giáo viên tổ chức các hoạt động để tương tác và chia sẻ lẫn nhau. Các bài tập bậc cao cũng được thực hiện tại lớp dưới sự hỗ trợ của giáo viên và các bạn cùng nhóm.
Cách học này đòi hỏi học sinh phải dùng nhiều đến hoạt động trí não nên được gọi là “High thinking”. Như vậy những nhiệm vụ bậc cao trong thang tư duy được thực hiện bởi cả thầy và trò.
Phương pháp này không cho phép học sinh ngồi nghe thụ động nên giảm được sự nhàm chán. Mặc dù vậy, muốn quá trình đảo ngược thành công thì những giáo trình eLearning phải rất bài bản và hấp dẫn để lôi cuốn được học sinh không xao lãng mà tập trung vào việc học. Vì lý do đó, phương pháp này phải gắn chặt với phương pháp eLearning. Giáo viên phải quản lý và đánh giá được việc tiếp thu kiến thức thông qua các bài tập nhỏ đi kèm với giáo trình.
Một ưu điểm khác là học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi và với mọi thiết bị chỉ cần thiết bị đó có thể online được như smartphone, máy tính bảng, máy tính bàn kết nối Internet…
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm khi vận dụng vào quá trình dạy học do đặc thù của giáo dục mỗi nước cũng như tính cách và kỹ năng của học sinh. Nó làm mất nhiều thời gian và công sức cho việc soạn giảng của giáo viên. Và cần có phương pháp đánh giá phù hợp với nội dung giảng dạy, chứ không quá phụ thuộc vào các đợt thi cử.
Ngoài ra, muốn thực hiện các bài giảng eLearning và sử dụng các công cụ khác để tổ chức hoạt động học tập trong lớp thì đòi hỏi giáo viên phải giỏi về công nghệ và vững về phương pháp. Mặc dù vậy, không phải học sinh nào cũng hứng thú hợp tác hoặc do đường truyền Internet kém sẽ gây gián đoạn việc học tập ở nhà. Cuối cùng giáo viên, bộ môn phải có một kế hoạch đồng bộ và xuyên suốt năm học vì không phải bài học nào cũng phù hợp với phương pháp này.
Nguồn: http://www.nguyentrihien.com/