(Vietnamica Finance) — “Đừng chờ cho ý tưởng nảy sinh, hãy làm nó bật sáng mỗi khi bạn cần.”

Khoảnh khắc “Aha” có thể làm phát sinh nhiều hành động quan trọng… vậy điều gì xảy ra nếu bạn cần khoảnh khắc phát kiến ấy theo nhu cầu?

Don Kemper, người sáng lập ra Healthwise, nhớ lại khoảnh khắc Aha rất quan trọng với ông khoảng 40 năm trước. Ông nghe một bài diễn văn của thứ trưởng Giáo dục, Y tế và Phúc lợi, trong đó vị quan chức này nói rằng nguồn lực lớn nhất chưa khai thác trong chăm sóc sức khỏe chính là bệnh nhân. Trong khoảnh khắc đó, Kemper nhận ra rằng các cá nhân có thể (và nên) tự kiểm soát các lựa chọn y tế / sức khỏe riêng của mình, thay vì chuyển các quyết định đó cho những người làm chuyên môn y tế.


Ý tưởng đó sau này trở thành nền tảng của sứ mệnh tổ chức do ông sáng lập – giúp mọi người ra quyết định sức khỏe cá nhân hoàn hảo hơn.

Một khoảnh khắc Aha có tính bất chợt và là sự hiểu biết hầu như đầy đủ về sự vật nào đó, hay một giải pháp nào đó cho một vấn đề. Ví như, một thiếu niên đang tuổi trưởng thành chợt nhận ra thế giới này không chỉ như chúng nghĩ, doanh nhân ở giữa đường sự nghiệp nhận thức rằng nhiều tiền hơn không hẳn mang lại hạnh phúc nhiều hơn, hay một lãnh đạo chợt nhận ra phương thức để xây dựng một văn hóa làm việc bền vững… Tất cả những người này đều có thể thu nhận được những hiểu biết sâu sắc một cách bất chợt.

Nhưng các khoảnh khắc aha như thế có tương đồng nhau chăng? Liệu chăng chúng đều xuất hiện bất thình lình và hoàn toàn theo cách thức rõ ràng?

Rõ ràng là không.

Ta đã biết rằng các khoảnh khắc Aha này nói chung là một quá trình 3 bước. Một số người đi xuyên qua 3 bước này nhanh hơn người khác, hoặc cũng có thể phải quay lại một bước nào đó, nhưng quá trình này cơ bản dường như đúng với nhiều người và tổ chức. Ba bước này bao gồm lọc thông tin, lóe sáng những nhận thức (bật công tắc đèn), và rồi xác nhận lại hoặc là kiểm tra xem liệu nhận thức đó sẽ đúng qua thời gian.

Lọc: Bước đầu tiên này liên quan tới thu nhận và sàng mịn hàng đống thông tin để hiểu về một chủ đề hoặc giải một bài toán. Thông tin có thể nhồi cả vào một cá nhân, như kiểu người học ngôn ngữ cố gắng tiêu hóa vốn từ vựng. Hoặc cũng có thể thông tin tới do quá trình tự chọn, giống như một kỹ sư bắt tay vào một công việc kỹ thuật mới. Trong quá trình này, mọi người đều cảm thấy quá tải do tốc độ và khối lượng thông tin, vì thế họ phải lọc và tổ chức lại thông tin để có thể bắt đầu thấy tính hợp lý. Thỉnh thoảng, ngay ở công đoạn này một khoảnh khắc Aha chợt đến, nhưng thường thì rất hiếm.

Bật sáng công tắc lên: Sau khi lọc và làm mịn, sẽ tới giai đoạn bật sáng đèn. Công đoạn này cần nhiều bán cầu não phải, vì thế nhiều người tránh bước này hoặc cố vượt qua thật nhanh bước này. Hậu quả là họ bỏ qua những nhận thức, hiểu biết mới, nhiều khi rất căn bản. Các khoảnh khắc Aha phấn khích ở khâu này sẽ tới khi ta nhìn vào một vấn đề những từ một góc nhìn khác, tìm đến những ý tưởng ngoài lĩnh vực đang quen thuộc, hoặc đi tìm “yếu tố thất lạc” trong một sơ đồ các yếu tố đã biết.

Tái xác nhận: Một khi khoảnh khắc Aha xuất hiện, ta cần kiểm tra lại liệu nó còn có giá trị ngoài phạm vi một kinh nghiệm cụ thể ta vừa bắt gặp hay không. Người ta kiểm tra nhận thức này theo nhiều cách khách nhau, bao gồm cả mang nó đến hỏi ý kiến chuyên gia và những người bình thường. Ví dụ như một đồng nghiệp của nhà bác học Einstein đã từng nói “Hãy phát biểu ý tưởng của bạn theo cách đủ đơn giản để một người phục vụ quán bar có thể hiểu được.” Nếu cả chuyên gia lẫn “barmaids” đều có thể hiểu ý tưởng đó, rõ ràng nó có độ tin cậy hơn hẳn!

Còn khi khoảnh khắc Aha không xuất hiện?
Một số lãnh đạo các tổ chức sáng tạo và có năng suất cao có phàn nàn rằng, gần đây họ không còn có được những khả năng thấu hiểu xuất hiện một cách kịch tích như xưa kia nữa. Sao vậy? Sự thật là họ đã chuyển hóa công nghệ “bật sáng đèn” này trở thành một công thức tư duy nhuần nhuyễn đến độ không còn ngạc nhiên nữa. Thay vì dừng lại để hỏi “làm sao để tôi có thể nghĩ về vấn đề này theo một cách khác đi,” họ đã thực hành điều đó gần như tự động (tự nhiên). Thói quen suy nghĩ theo những cách thức thúc đẩy bật sáng khoảnh khắc Aha đã ngấm vào thành thói quen của họ, không còn gây ngạc nhiên nữa.

Vậy thì chúng ta đều có thể thúc đẩy khoảnh khắc sáng tạo kiểu Aha, tương tự như các loại năng lực tư duy sáng tạo khác. À-há!


* Nancy K. Napier (2012), “Make Aha Moments Happen – Then Go See a Barmaid,” Psychology Today (http://www.psychologytoday.com/blog/creativity-without-borders/201203/make-aha-moments-happen-then-go-see-barmaid)

***TS Nancy Napier là thành viên Ban cố vấn của OMT. Bản tiếng Việt của cuốn sách “Insight: Encouraging Aha Moments for Organizational Success” do TS Nancy Napier là tác giả đã được Công ty OMT tài trợ xuất bản dưới tựa đề  Những khoảnh khắc xuất thần


TAGS:

Cloud-based education management platform