Theo công bố của Tổng Cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 8/2008 chỉ tăng 1,56%, so với tháng trước, đưa CPI từ đầu năm đến nay lên 21,65%. Theo cách tính trung bình kỳ, CPI trung bình của 8 tháng vừa qua tăng 22,14% so với 8 tháng đầu năm trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng đã lên đến 28,32%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ số CPI tiếp tục tăng chậm theo xu hướng ổn định.

tieu-dung

Nhóm hàng và dịch vụ tăng giá mạnh nhất trong tháng là phương tiện đi lại và bưu điện, lên tới 9,07%, do sức kéo của giá xăng dầu. Mức tăng của nhóm này rơi vào phương tiện đi lại, bởi nếu tính riêng, giá dịch vụ bưu điện giảm 0,1%.

Lương thực – thực phẩm có mức tăng nhẹ 0,5%. Nhóm hàng này chiếm gần 43% “rổ” hàng hóa trong cách tính CPI của Việt Nam, nên tỷ lệ tăng nhẹ giúp giữ CPI không biến động mạnh trong tháng. Giá lương thực – mặt hàng tăng đột biến trên 22% và đẩy CPI tiến gần 4% trong tháng 5 vừa qua, đã giảm 1,1%. Tuy nhiên, các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng cao, 2,77%.

Các mặt hàng thiết yếu khác như may mặc – giày dép, thiết bị gia đình, dược phẩm có mức tăng trung bình trên 1%. Riêng nhà ở và vật liệu xây dựng duy trì đà tăng khá cao là 2,18%. Cách tính nhóm hàng này không bao gồm giá giao dịch bất động sản. Tây Bắc Bộ đang là khu vực có giá cả tăng cao nhất cả nước, với 2,18%. Trong khi đó, xét từng địa phương, thì TP HCM có giá cả đắt đỏ nhất, khi giá nhích lên 2,09%.

Với sự chi phối lớn về quyền số trong CPI, sự giảm giá của lương thực, thực phẩm đã khiến cho xu thế giá cả bị điều chỉnh mạnh. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng khác ổn định càng khiến cho việc kiềm chế lạm phát thuận lợi. Giá xăng vẫn được ghi nhận là có tác động mạnh nhưng đã không còn đủ sức để đẩy CPI lên quá cao như dự đoán.

Trong tháng 8/2008, chỉ số vàng và USD đều giảm cùng với một mức 2,96%.

Thụy Du
Nguồn: http://dddn.com.vn/20080825032812240cat117/cpi-tang-cham-theo-xu-huong-on-dinh.htm


TAGS:

Cloud-based education management platform