Công nghệ không chỉ làm thay đổi bộ mặt giáo dục thế giới mà còn giúp hàng trăm ngàn sinh viên được tiếp cận những chương trình học chất lượng mà chẳng tốn một xu. Đó là điều kỳ diệu mà Coursera – trang web học trực tuyến – đang làm.


“Rẻ hơn Harvard”

Đó là tựa bài báo đăng trên tạp chí Newsweek ngày 7-5 vừa qua. Bài báo viết: Trong khi chi phí cho chăm sóc y tế tăng 250% thì chi phí giáo dục đại học tăng vùn vụt 450%. Nhưng Daphne Koller và Andrew Ng – hai giáo sư giảng dạy ngành Khoa học máy tính đến từ ĐH Stanford – tin rằng internet sẽ cho phép hàng triệu người được tiếp cận với giáo dục bậc cao mà không phải tốn một đồng nào, nếu có tốn chỉ là tiền cước internet. Nếu so sánh với các trường đại học “top” như Harvard, Stanford, MIT…, trung bình mỗi sinh viên phải tốn 250.000 USD cho bốn năm học, thì quả thật Coursera (http://www.coursera.org) rẻ vô cùng. “Của rẻ” nhưng chất lượng là “vàng thiệt”, nhiều giáo sư của Stanford, Princeton, University of Michigan, và University of Pennsylvania cũng tình nguyện tham gia Coursera. Mặt khác, Coursera nhận được khoản đầu tư 16 triệu USD từ các tập đoàn đầu tư như Kleiner Perkins Caufield & Byers và New Enterprise Associates.

Hiện chương trình học trực tuyến này cung cấp 35 khóa học từ toán học, khoa học máy tính, cho đến lịch sử thế giới, thi ca Mỹ đương đại… với hơn 100.000 sinh viên ghi danh, trong đó có 13.000 người đã hoàn tất khóa học. Những khóa học này không chỉ là những bài giảng dưới dạng video mà còn có bài tập, kiểm tra và điểm số.

Cung cấp giáo dục chất lượng cao cho hàng triệu người là tâm huyết của hai nhà đồng sáng lập Coursera. “Chúng tôi cung cấp những khóa học chất lượng, từ những trường đại học hàng đầu Princeton University, Stanford University, University of California, Berkeley, University of Michigan-Ann Arbor, University of Pennsylvania… miễn phí cho mọi người. Chúng tôi đang thay đổi bộ mặt của giáo dục toàn cầu và chúng tôi mời bạn cùng tham gia…”.

Ghi danh đơn giản

Nhiều người khác cũng đang ấp ủ được học những “kiến thức đắt tiền” nhưng không biết cách thức tiếp cận ra sao. Ngày ở Việt Nam là đêm của Hoa Kỳ, múi giờ chênh lệch có gây trở ngại gì trong việc học? Theo hướng dẫn của Coursera, đây là khóa học trực tuyến nên dĩ nhiên được thiết kế để mọi người ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể tham gia học hỏi. Học viên không nên lo ngại chênh lệch giờ giấc, chỉ cần trang bị máy tính, microphone và có “vốn” tiếng Anh khá giỏi là đủ điều kiện đăng ký. Vào thứ hai hằng tuần, các giáo sư sẽ tải video clip, các slide bài giảng, các ghi chú cần thiết… lên website. Học viên chỉ cần download về để nghiên cứu, việc học chủ động vào bất cứ lúc nào phù hợp và các giáo sư cũng sẽ cho các bài tập để các bạn làm.

 

Mỗi khóa học sẽ có ghi thời gian học kéo dài trong bao nhiêu tuần, mốc thời gian cho bài giảng kế tiếp của khóa. Các khóa học gồm những giáo trình gốc được thiết kế để giúp bạn làm chủ tài liệu. Khi bạn chọn một trong số những khóa học, bạn sẽ xem các bài giảng được giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu thế giới, được chủ động học, kiểm tra kiến thức và tăng cường các khái niệm qua những bài tập tương tác. Khi bạn tham dự một khóa học, bạn cũng sẽ có cơ hội thảo luận cùng một cộng đồng quốc tế gồm hàng ngàn sinh viên đang học bên cạnh bạn. “Các khóa học được thiết kế dựa trên nền tảng giáo dục logic nhằm giúp bạn làm chủ các khái niệm nhanh nhất và hiệu quả nhất”, GS Daphne Koller và Andrew Ng khẳng định. Bất cứ khi nào bạn tìm kiếm cơ hội nâng cao nghề nghiệp, cải thiện hồ sơ xin việc hay đơn giản chỉ học để mở rộng kiến thức, bạn có thể đăng ký theo học Coursera, gồm nhiều chủ đề phong phú: Nhân học, Y khoa, Sinh học, Khoa học xã hội, Toán học, Kinh tế, Khoa học máy tính và rất nhiều chủ đề hấp dẫn khác đang đợi chờ bạn khám phá.

Coursera sẽ “giao” bài tập ở nhà và chấm điểm cho học viên. Khi hoàn thành chương trình, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ. Chỉ cần một microphone và một màn hình vi tính, người học có thể vừa học vừa thảo luận, trao đổi kiến thức với đồng môn trên khắp thế giới. Trong tương lai, Coursera không chỉ có những kiến thức hàn lâm, mà còn cung cấp thêm những kỹ năng “mềm” như cách viết thư xin việc, giới thiệu bản thân và định hướng phát triển nghề nghiệp…

Việt Nam có hơn 5.000 học viên đăng ký học Coursera, quả là một ngạc nhiên đầy thú vị.

Nguồn: http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Giao-duc/Tu-van-du-hoc/126537,Coursera-hoc-mien-phi-voi-nhung-truong-top-Hoa-Ky.ttm


TAGS:

Cloud-based education management platform