Blog science-technology.vn – Kho tài nguyên mở
25/06/2020
Chia sẻ bài viết
Kho tài nguyên mở – blog science-technology.vn là nơi hội tụ các bài viết, tài liệu chuyên môn về Công nghệ Thông tin của Giáo sư John Vũ viết trong tiếng Anh, do dịch giả Ngô Trung Việt dịch và biên tập. Bản tin WeLearn số 27 trân trọng giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn nhanh với ông Ngô Trung Việt – người góp phần việt hóa và đóng góp tài nguyên cho blog science-technology.vn
PV: Chào ông Ngô Trung Việt, xin ông cho biết động lực ra đời blog www.science-technology.vn?
Blog www.science-technology.vn của Giáo sư John Vũ là tuyển tập các bài viết, bình luận về mọi sự kiện thời sự của công nghiệp công nghệ cao, được đồng thời đăng tải trên các trang web ở Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Qatas và Việt Nam trong ngôn ngữ bản địa. Nhận thấy sự phát triển của công nghệ rất nhanh chóng và nhiều người thường thiếu các thông tin cần thiết để bám kịp theo sự phát triển của thời đại, Giáo sư John Vũ đã rất cần mẫn viết ra các bài blog này để mong giúp ích cho mọi người mong muốn học tập. Blog Science-technilogy.vn ra đời nhằm mục tiêu phổ biến các tri thức mới đó cho độc giả là những sinh viên, những người đã đi làm ở Việt Nam.
Trong những năm 2005-2008 Giáo sư John Vũ đã nhiều lần về Việt Nam với mong muốn chuyển giao những tri thức khoa học công nghệ mới nhất cho các công ti và đại học ở Việt Nam. Sau nhiều lần tiếp xúc với hiện trạng phát triển công nghệ ở Việt Nam Giáo sư đã nhận thấy rằng sự phát triển của các công ti công nghệ của Việt Nam chưa theo kịp được với sự phát triển của thế giới cho nên rất khó có thể chuyển được việc làm khoán ngoài từ các nước phát triển vào Việt Nam. Nhận thấy vấn đề mấu chốt để có thể tạo ra thay đổi đi lên là ở việc cần có một lực lượng lao động đi song hành với phát triển của thời đại, Giáo sư đã chỉ rõ việc cần có thay đổi triệt để trong giáo dục, và việc phổ cập các tư tưởng và tri thức kĩ năng mới là rất quan trọng. Đó chính là động lực để cho ra đời và phát triển hệ thống các bài blog của Giáo sư trong tiếng Việt.
Cách phổ biến tri thức truyền thống là thông qua tài liệu sách vở in ấn hoặc qua giảng dạy của các cơ sở đào tạo. Vấn đề lớn của hệ thống giáo dục ở Việt Nam là các cơ sở đào tạo bị tụt hậu và chậm thay đổi hoặc chỉ mới chú trọng phần kinh doanh giáo dục. Mặt khác về vệc in ấn sách báo mới thì các nhà xuất bản lại rất chậm chạp trong việc xuất bản các tài liệu mới và hữu ích vì nhiều lý do liên quan đến thủ tục, giấy tờ và cả chần chừ trong quyết định đầu tư vào những lĩnh vực mới, mạo hiểm.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các thiết bị số, Giáo sư John Vũ đã thảo luận với tôi về việc thiết lập một kênh thông tin có thể chủ động xuất bản, chia sẻ thông tin/tài liệu trên internet ngay lập tức, không cần qua in ra sách giấy. Blog chia sẻ tri thức và kinh nghiệm phổ biến trên internet sẽ giúp những người có nhu cầu có được tài liệu tham khảo nhanh chóng, kịp thời. Cá nhân tôi cảm thấy rất vui khi có nhiều người quan tâm blog, sử dụng tài liệu và đã tự nâng cao trình độ. Đó thực sự là tin hiệu vui mừng bởi lẽ tri thức được lan tỏa mạnh mẽ và vô cùng cởi mở đến mọi đối tượng quan tâm.
Trên blog, ngoài những bài viết chuyên môn, chia sẻ của Giáo sư Vũ; tôi cũng ấn tượng với kho e-book miễn phí về CNTT trong đó có cuốn “Căn bản về CNTT toàn cầu”, theo tôi rất cơ bản và phù hợp với số đông. Ông có thể chia sẻ qua về cuốn sách này được không?
Trong phạm vi blog, tôi đã biên tập, chọn lựa các tài liệu của Giáo sư John Vũ để lập thành e-book mang tiêu đề “Căn bản về công nghệ thông tin toàn cầu” – tài liệu dự định thay cho môn tin học cơ sở vẫn được dạy phổ biến ở trường học đã lạc hậu vì chỉ hướng vào dạy về máy và phần mềm cụ thể.
Tôi cũng từng giảng dạy bộ môn này trong trường Đại học Văn Lang nên tôi hiểu rõ đây là tài liệu rất quan trọng để đi vào thời đại tri thức mới – có thể giúp sinh viên nói riêng và người học nói chung có con mắt toàn cầu rộng chứ không bị bó hẹp vào cái máy tính cụ thể. Không chỉ cuốn “Căn bản về CNTT toàn cầu”, những cuốn e-book khác tôi đưa lên hoàn toàn dựa trên xu hướng phổ cập của internet – nơi mà mọi người cần biết lấy tri thức và cộng tác với nhau qua internet mới là chính.
Ngoài những nội dung dành cho người học, những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cũng đã được đề cập nhiều trong blog?
Đúng vậy, blog đề cập rất nhiều đến các vấn đề liên quan đến cách quản lý và hệ thống quản lý mới rất cần được các cơ quan và doanh nghiệp đưa vào thực tế để thay thế cho những lối làm việc và quản lý không khoa học và kém hiệu quả. Bản thân Giáo sư John Vũ đã hàng mấy chục năm tham gia công tác quản lý của các công ti công nghệ khổng lồ cho nên những kinh nghiệm đúc kết được của Giáo sư rất có giá trị giúp đỡ cho những người làm quản lý. Thời đại đã chuyển từ thời công nghiệp sang thời thông tin và tri thức, điều này dẫn tới những thay đổi căn bản của quản lý trên nền công nghệ thông tin. Tuy nhiên những thay đổi công nghệ chỉ thực sự phát huy tác dụng trong doanh nghiệp và xã hội chừng nào những người lãnh đạo bắt đầu đổi cách suy nghĩ cũ để suy nghĩ theo chiều mới và dựa hẳn vào công nghệ giúp cho quản lý.
Những thay đổi này trước tiên phải được bắt đầu từ thay đổi quan niệm của lớp người mới. Tại sao tôi lại nói vậy, bởi vì, nhìn chung lớp người cũ thường khó thay đổi hơn do ảnh hưởng của thói quen và tư duy của thế hệ cũ; nhiều người không muốn thay đổi hoặc cũng không thể nhìn nhận được xu hướng mới mà thay đổi.
Ông đánh giá thế nào về việc nhiều người vẫn quá chú trọng vào vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm nếu được công khai rộng rãi và miễn phí thì sẽ vô cùng có ích cho cộng đồng, cho sự tiến bộ chung của xã hội?
Tôi đánh giá thế này, chúng ta đang trong quá trình chuyển từ thời đại sở hữu vật chất sang thời đại chia sẻ tri thức do tiến bộ công nghệ trao cho từng người máy móc xử lí thông tin (máy tính, điện thoại di động…) và tạo nền tảng Internet cho việc chia sẻ tư tưởng và tri thức. Mọi thứ được đưa lên Internet tuỳ theo ý định của người đưa lên, có thể họ giữ riêng tư, có thể là chia sẻ toàn bộ. Hệ thống trên internet không có khái niệm sở hữu hay chia sẻ như trong đời thường nhưng có khái niệm về riêng tư (private) và công cộng (public). Thông thường hệ thống công nghệ để chế độ mặc định là công cộng, có nghĩa là mọi người thoải mái sử dụng. Nếu ai muốn giữ thông tin riêng cho mình hay một số người thì phải khai báo chế độ riêng tư (private).
Một số người chưa nhận thức được quan niệm này trên mạng cho nên vẫn đưa quan niệm hiểu về sở hữu vật chất vào các vấn đề tri thức và thông tin. Có sự lẫn lộn giữa việc đánh giá giá trị kinh tế của sở hữu vật chất nay áp sang các đối tượng thông tin và tri thức, của việc lưu danh để mọi người nhắc tới (một hình thức sở hữu khác) với việc chia sẻ và sử dụng trên mạng. Tôi nghĩ đó là vì họ chưa thấy sự chuyển biến toàn cầu từ sở hữu vật chất sang chia sẻ tinh thần, một thời đại mới đã mở ra. Nhiều người lấy kinh doanh làm trọng và quá coi những điều nhỏ nhặt của mình là lớn thì không đi xa được. Chúng ta phải mở cho tri thức mới và thế hệ mới thì mới tạo được bước chuyển căn bản để đi cùng thế giới được. Người hiểu và dùng được tri thức mới thì mới là quí.
Trong thời đại mới này, bên cạnh những cái mới về công nghệ, còn những cái mới về quan niệm chia sẻ và sống với sự hoà hợp với toàn thể sự tồn tại. Hai mặt này phải đi song song thì chúng ta mới có những con người thực sự giúp phát triển đất nước. Bởi hiện nay, có nhiều thứ đã bị quá thiên lệch về giá trị đồng tiền mà quên đi giá trị cốt lõi của cuộc sống con người. Các bài blog của thầy John Vũ cũng muốn nhắm tới việc hình thành con người thời đại vừa nắm công nghệ vừa biết sống cuộc sống hữu ích.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Giới thiệu dịch giả Ngô Trung Việt: Ông Việt làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ năm 1973 đến 2012. Ông từng là cố vấn của nhiều dự án phát triển công nghệ thông tin do chính phủ thành lập từ những năm 1994 với những hoạt động chính trong phát triển các chuẩn Công nghệ thông tin.
Ông Việt là biên tập viên của các chuẩn quốc gia về chữ Việt latin, chữ Nôm, chữ Thái Việt Nam, chữ Chăm và chữ Khmer từ năm 1993, là đại diện của Việt Nam và là biên tập viên cho nhóm báo cáo viên chữ biểu IRG, tham gia phát triển các bộ kí tự Unicode và ISO-IEC 10646. Ông Việt cũng đã giảng dạy về ngôn ngữ lập trình, phương pháp luận lập trình, kĩ nghệ phần mềm, quản lý dự án công nghệ thông tin, quản lý tri thức, kiến trúc công ty, quản lý dịch vụ, kiến trúc và thiết kế hệ thống dùng nhiều phần mềm… cho nhiều đại học và trung tâm đào tạo tin học ở Việt Nam.
Ông Việt đã nghiên cứu và làm việc tại Viện công nghệ thông tin – Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, viện Tin học trong doanh nghiệp IIE – CNAM – Paris, tại Đại học City of London, thực hành về Internet tại Stanford, Mĩ, về tiêu chuẩn hóa, về e-learning tại Tokyo – Nhật Bản, San Francisco – Hoa Kỳ, sau đó tham gia vào các tổ chức như: Hội bảo tồn di sản chữ Nôm (với cương vị Phó Chủ tịch), Trung tâm sát hạch CNTT và hỗ trợ đào tạo – VITEC (với vai trò cố vấn) hoặc trên cương vị Phó trưởng tiểu ban Chuẩn CNTT – Chương trình quốc gia về CNTT. Ông Việt có hơn 20 công trình khoa học đã công bố, gần 20 đầu sách được xuất bản và hàng trăm ấn phẩm báo chí, tài liệu dịch thuật được giới thiệu.
Bài viết đăng trên Bản tin WeLearn số 27, năm 2013