Trong khuôn khổ chương trình “Nhà quản lý thế hệ mới: tầm nhìn và tiêu chuẩn Mỹ” do Công ty Cổ phần Đào tạo Trực tuyến OMT được ủy quyền của Đại học Franklin, bang Ohio – Mỹ tổ chức, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại Việt Nam,  trong tháng 7/2011 vừa qua các học viên khóa Franklin 01 đã có chuyến làm việc, tham quan và nhận chứng chỉ tại Mỹ. Chuyến đi kết thúc tốt đẹp, là sự khởi đầu quan trọng cho thành công của những khóa Franklin tiếp theo. Ban truyền thông của Chương trình đã có buổi trò chuyện cởi mở về chuyến đi với anh Lê Xuân Huy, đại diện Ban tổ chức OMT và là người dẫn đoàn sang Mỹ.


Biên tập viên (BTV): Thưa anh Lê Xuân Huy, chúng tôi được biết chuyến làm việc, tham quan và nhận chứng chỉ tại Mỹ của học viên khóa Franklin 01 vừa rồi đã kết thúc tốt đẹp. Là người trực tiếp dẫn đoàn sang Mỹ, gắn bó với các học viên trong suốt chuyến đi, anh có thể cho tôi cũng như bạn đọc được biết một số cảm nghĩ của anh về chuyến đi này được không ạ?

Lê Xuân Huy (LXH):Chuyến đi hoàn thành theo như đúng dự kiến về thời gian, lịch trình và an toàn. Học viên đến từ nhiều tỉnh thành, nhưng có điểm chung đều là người quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp và lần đầu học tập, tiếp xúc với phương pháp nội đào tạo quản lý  của một trường Đại học Mỹ, cũng như lần đầu đến Mỹ. Nước Mỹ trong thực tế cũng rất khác so với suy nghĩ của học viên. Sự thân thiện và tính thực tế, hiệu quả rất cao trong mọi khía cạnh công việc, sinh hoạt, xã hội khiến cho học viên có nhiều bất ngờ cũng như những bài học thú vị.Tôi cho rằng khóa học và chuyến đi thực tế tại Mỹ đã ảnh hưởng tích cực, giúp các nhà quản lý nâng cao tầm nhận thức cũng như chiến lược quản trị cho doanh nghiệp mình.

anh1

Đoàn tại trụ sở Ủy ban Thương mại Mỹ (US ITC), Washington DC

BTV: Vâng, đó là cảm nhân của cá nhân anh; vậy cảm nghĩ, đánh giá của các anh chị học viên thì thế nào?

LXH:Những vấn đề học viên phải đối diện trong công việc hàng ngày như quản lý tài chính, chính sách giữ chân người tài…đã được giảng viên làm sáng tỏ trên cơ sở tình huống thực tế của chính doanh nghiệp dưới góc nhìn của người quản lý trong môi trường hội nhập toàn cầu và chuyên nghiệp hóa cao của nước Mỹ, khiến cho học viên rất tâm đắc, đúc kết được nhiều bài học thực tiễn cho doanh nghiệp của mình. Trong buổi làm việc với Ủy ban Thương mại Hoa kỳ, sự chuyên nghiệp, chu đáo và trọng thị của một cơ quan chính phủ Mỹ dành cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam khiến cho các học viên rất ý thức được trách nhiệm người doanh nhân, họ chính là những người đóng góp và làm nên sức mạnh và thể diện của một quốc gia, một đất nước. Nói như chị Thanh Bình – Giám đốc Công ty Megalife Việt Nam, khóa học và chuyến đi giúp cho chị hiểu được rõ hơn về tầm nhìn cũng như tư duy của người quản lý. Đặc biệt chị có dịp được đến tận nhà máy mẹ nơi sản xuất các sản phẩm mà chị đang phân phối tại Việt Nam, đây là hình thức quảng bá hết sức hiệu quả đối với các khách hàng của chị.

Anh Nguyễn Đức Toàn & chị Trần Thị Chung – 2 vợ chồng đồng thời là giám đốc và phó giám đốc Công ty Tiến Thành – chuyên phân phối các sản phẩm Honda với doanh thu lên đến 300 tỷ/ năm; thông qua khóa học thấy được rất rõ các vấn đề về quản lý tài chính của công ty mình còn thiếu sót những gì, cần bổ sung ra sao. Khi chứng kiến sự hiệu quả trong các hoạt động, sinh hoạt của nước Mỹ, anh chị rút ra được nhiều điều tâm đắc có thể cải thiện được cho doanh nghiệp mình. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Phát triển và Hỗ trợ Nhân lực Doanh nghiệp Việt Nam rất hứng thú vì khóa học cũng như chuyến đi thực sự là một sự hỗ trợ hiệu quả cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Chị cam kết sẽ tiếp tục là một đầu mối, sử dụng khóa học và chuyến đi như như một kênh hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động của Viện mình.

anh2

Đoàn trước nhà Quốc hội Mỹ, Washington DC

BTV: Anh có thể nói qua cho bạn đọc được biết về lịch trình chuyến đi Mỹ vừa rồi cũng như địa điểm nào mà học viên ấn tượng nhất không ạ?

LXH:Đoàn đến các bang và thành phố: Washington DC, Philadelphia, New York, Columbus – Ohio. Mỗi nơi đoàn lưu trú 2 ngày, trong đó 2 điểm nhấn quan trọng là buổi làm việc với Ủy ban Thương mại Hoa kỳ tại Washington DC và tham quan, nhận bằng tại trường Franklin tại Columbus, Ohio. Ngoài ra một số học viên sau khi kết thúc chương trình chính thức tham gia thêm chương trình ngoại khóa tại Las Vegas và Los Angeles nằm ở 2 tiểu bang và là 2 thành phố nổi tiếng nhất miền Tây nước Mỹ. Học viên ấn tượng nhất không phải là thủ đô Washington DC trung tâm chính trị hay New York – trung tâm kinh tế, vì hầu hết những hình ảnh và thông tin về các trung tâm này học viên đã biết nhiều qua phim ảnh hay các phương tiện thông tin đại chúng mà là thành phố Columbus, tiểu bang Ohio. Đây là nơi ngự trị của sự thanh bình và những nét đặc trưng khác biệt nhưng lại có phần tương đồng với Việt Nam.Đơn cử như khi đoàn đến 1 khu chợ buôn bán nông sản của nông dân Mỹ, chợ này có lịch sử hơn 100 năm, là nơi các nông dân bán những thực phẩm sạch, giá cả cao hơn trong siêu thị nhưng người mua rất đông vì người bán tự hào về sức lao động của mình được cộng đồng tôn trọng, người mua tự hào vì họ được đóng góp sức mình tạo nên hình ảnh của thành phố. Có thể nói chợ như một biểu tượng của thành phố, sạch sẽ, văn minh và mọi người dân mua, bán trong đó đều tự hào vì đã cùng nhau đóng góp làm nên biểu tượng này.

anh3

Đoàn trong chuyến tham quan Đại học Franklin, Ohio, Mỹ

BTV: Vậy kỉ niệm đáng nhớ nhất của anh và các học viên trong chuyến đi là gì?     

LXH:  Một học viên quên túi xách trong quán ăn ở sân bay Los Angeles trong lúc quá cảnh đến Washington DC.Trong đó có máy tính với nhiều dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp và tư trang cá nhân.Do sát giờ bay nên đoàn không kịp báo cảnh sát cũng như bảo vệ. Mười ngày sau, khi quá cảnh trở về VN cũng qua sân bay này, khi được hỏi lập tức cảnh sát trong sân bay đã đối chiếu với dữ liệu sân bay các ngày trước đó và bàn giao nguyên vẹn túi xách cho học viên. Sự tự giác, tính hiệu quả và hỗ trợ hành khách tối đa của nhân viên công lực tại sân bay Los Angeles là một trong những điều hết sức ấn tượng đối với tôi và các thành viên trong đoàn.

BTV: Điều lớn nhất học viên có được trong và sau chuyến đi là gì?

LXH:Tính hiệu quả và chuyên nghiệp hóa của người Mỹ. Tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống được chuyên môn hóa rất cao và nhấn mạnh vào tính hiệu quả rồi mới đến hình thức. Từ việc chia luồng đón khách theo hãng máy bay tại các sân bay, mọi thủ tục ở sân bay hành khách tự thực hiện bằng máy cho đến phục vụ trong nhà hàng đều rất chuyên nghiệp và khác biệt so với Việt Nam, các nhân viên trong các quầy giao dịch với khách hàng từ nhà hàng cho tới cảnh sát công vụ…đều ở tư thế đứng, luôn sẵn sàng phục vụ và làm việc tận tâm.

anh4

Đoàn tại phố Wall, New York

BTV: Một chuyến đi xa và dài ngày như vậy, chắc hẳn học viên sẽ gặp không ít khó khăn về điều kiện sinh hoạt cũng như đi lại, vậy anh có thể kể lại một số khó khăn điển hình và cách khắc phục để giúp học viên khóa sau thích nghi nhanh hơn, nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho chuyến đi được không?

LXH:Khó khăn lớn nhất của học viên là việc di chuyển nhiều, hành trình đúng nửa vòng trái đất làm cho nhịp sinh học của học viên bị thay đổi trong thời gian ngắn, mất 1-2 hôm đầu các học viên chưa thích nghi được nên hơi mệt. Các bữa ăn chính thì không có khó khăn gì, chủ yếu ăn theo khẩu vị người châu Á, chỉ có bữa ăn sáng tại khách sạn đều theo khẩu vị Mỹ – bánh mỳ là chính nên học viên khó thích nghi.Ngoài ra một số nét sinh hoạt đặc trưng của văn hóa phương Tây cũng khiến học viên bỡ ngỡ, ví dụ thanh toán chi phí khi sử dụng dịch vụ ở Mỹ đều chưa bao gồm thuế và phí phục vụ, ngoài chi phí ghi trên bao bì và dịch vụ phải trả thêm trung bình 15-20% nên học viên đôi khi lúng túng.

Các khóa học tới đây, chúng tôi sẽ chú trọng tư vấn trước khi đoàn sang Mỹ, có buổi giới thiệu văn hóa và ngôn ngữ Mỹ,  thậm chí giới thiệu cả các bài tập thể dục, giúp học viên quen với sự thay đổi địa lý, phổ biến kỹ hơn về đặc thù địa phương cho học viên để giảm thiểu sự chưa phù hợp và rút ngắn thời gian thích nghi của học viên.

BTV: Xin cảm ơn anh Huy, một câu hỏi nhỏ cuối cùng dành cho anh. Đây là chuyến đi Mỹ đầu tiên của học viên trong chương trình Franklin, vậy anh có đề xuất gì để những chuyến đi tiếp theo được diễn ra tốt đẹp hơn không?

LXH:Chuyến đi tiếp, theo tôi nghĩ nếu có thể kéo dài hành trình thêm 1 vài ngày để học viên có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm và thích nghi được tốt hơn với nước Mỹ. Các buổi làm việc & tham quan thực tế với các cơ quan của Mỹ nên có sự phân công, chuẩn bị câu hỏi, nội dung giao lưu chi tiết và phân theo từng chủ đề cụ thể.Điều này khiến cho hiệu quả các buổi làm việc được tốt hơn.

BTV: Xin cảm ơn anh Huy, thay mặt Ban biên tập xin chúc cho các chương trình Franklin sắp tới diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công hơn nữa.

*Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo www.franklin.elearn.vn


TAGS:

Cloud-based education management platform