Tất cả các giảng viên trực tuyến đều mong muốn mang lại những khóa học hiệu quả, thiết thực cho học viên, để giúp họ nâng cao kiến thức cũng như các kỹ năng làm việc của mình. Họ cũng hy vọng người học nhớ nhiều, nhớ lâu hơn và có thể chủ động, linh hoạt vận dụng những điều đã học vào thực tế. Để giúp các học viên tối ưu hóa khả năng ghi nhớ, các giảng viên cần hiểu rõ quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin trong não bộ và thiết kế nội dung khóa học phù hợp với quá trình đó.

Trí nhớ của con người có thể chia thành hai phần: bộ nhớ làm việc (ngắn hạn, tạm thời) và trí nhớ dài hạn. Bộ nhớ làm việc có thể đồng thời tiếp nhận và xử lý thông tin nhưng không thể lưu trữ quá nhiều dữ kiện cùng một lúc; đây cũng là nơi diễn ra mọi hoạt động suy nghĩ một cách chủ động của con người. Còn bộ nhớ dài hạn giống như một trung tâm lưu trữ và chứa đựng mọi kiến thức bền vững của bạn. Học tập là quá trình tiếp nhận, xử lý các thông tin hay kiến thức mới trong bộ nhớ làm việc và tích hợp chúng với những kiến thức sẵn có trong trí nhớ dài hạn. Những thông tin nạp trong bộ nhớ dài hạn có thể được gọi ra một cách chủ động để ứng phó với tình huống thực tế. Trong quá trình não bộ chủ động xử lý thông tin sẽ có sự trao đổi, kết nối liên tục giữa hai bộ nhớ.

Có thể hình ảnh hóa quá trình đó như sau: Bộ nhớ làm việc của bạn giống như một tấm bảng trắng nơi bạn có thể vừa viết, vẽ… mọi câu hỏi, sơ đồ, hình ảnh (nạp thông tin) vừa tính toán hay giải quyết vấn đề cùng một lúc (xử lý thông tin). Song, với một khoảng không gian cố định, khi đã viết kín bảng, bạn không còn chỗ để đưa thêm thông tin mới vào nữa. Vì thế bạn phải lưu lại những thứ quan trọng và xóa bớt các con tính cũ để dành chỗ cho các thông tin mới. Một trong những cách hiệu quả mà đơn giản nhất là lưu lại các thông tin, dữ kiện quan trọng dưới hình thức ghi chép ngắn gọn như trên các mảnh giấy nhớ có thể dán lên được. Lúc này, bạn có thể yên tâm xóa sạch tấm bảng và đưa vào đó những thông tin mới; khi cần đến những dữ kiện cũ, bạn chỉ cần xem lại các “note” đã lưu mà thôi – điều này có nghĩa là bạn cần lưu lại và chuyển đổi những thông tin quan trọng từ bộ nhớ tạm thời sang bộ nhớ dài hạn.

học-online-nho-lau

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP CÁC HỌC VIÊN TRỰC TUYẾN NHỚ ĐƯỢC NHIỀU HƠN ?

Thiết kế nội dung khóa học trực tuyến cho bộ nhớ làm việc

Trong quá trình học trực tuyến, tất cả những gì người học nghe và nhìn thấy sẽ được nạp vào và lưu trữ tạm thời trong bộ nhớ làm việc. Não bộ của họ sẽ chủ động phân tích, xử lý thông tin mới và tích hợp chúng với những kiến thức đã có trong bộ nhớ dài hạn. Tuy nhiên, bộ nhớ làm việc chỉ có một sức chứa hạn chế và một tốc độ, công suất làm việc nhất định. Hầu hết con người chỉ có thể đồng thời tiếp nhận, lưu trữ và xử lý một khối lượng dữ liệu nào đó. Ví dụ, đa số mọi người khó có thể tính nhẩm ngay một phép tính như (219 x 473)2 trong đầu vì chúng ta vừa phải xử lý phép tính vừa phải lưu trữ thông tin về nó. Như vậy, nếu bạn tải quá nhiều thông tin mới vào bộ nhớ tạm thời trong một lúc thì sẽ không còn chỗ trống để xử lý chúng nữa, điều này sẽ khiến cho quá trình gọi lại thông tin sau đó trở nên khó khăn hơn.

Bởi thế, khi thiết kế khóa học trực tuyến, thay vì cố nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào một nội dung, bạn nên cấu trúc chúng dựa trên cách thức và khả năng xử lý thông tin của bộ não con người. Hãy thử ba cách cơ bản nhất như sau:

  1. Sắp xếp nội dung thành các “gói” nhỏ: Cấu trúc các nội dung thông tin, kiến thức cần thiết thành nhiều “gói” nhỏ, có liên quan chặt chẽ với nhau để có thể tối ưu hóa khả năng hoạt động của bộ nhớ làm việc. Không nên khiến nó bị quá tải bởi những thông tin không liên quan hoặc ít quan trọng. Não bộ phải vừa tự phân loại vừa sắp xếp thông tin nên những thông tin không liên quan hoặc có quá nhiều thông tin được đưa vào cùng lúc sẽ cản trở quá trình xử lý và tiếp thu kiến thức.
  2. Xây dựng nội dung mới dựa trên nền tảng kiến thức vốn có: Hãy tạo ra những quá trình, kiến thức, bài tập để người học có thể luyện tập xử lý thông tin, áp dụng kiến thức trong những tình huống hay hoàn cảnh có liên quan đến những kinh nghiệm họ vốn có. Bài tập nghiên cứu tình huống và các dạng bài tập thực hành có tác dụng rất lớn vì chúng có thể được thiết kế và cấu trúc để kết hợp các kiến thức mới với những kinh nghiệm vốn có và hiểu biết hiện thời của người học.
  3. Cung cấp các câu chuyện, hoàn cảnh thực tế: Mục tiêu của mỗi khóa học là giúp người học có thể chủ động áp dụng các kiến thức trong bộ nhớ dài hạn vào hoàn cảnh thực tế. Hãy tạo ra những mô hình mô phỏng thực tế để áp dụng kiến thức vào môi trường làm việc. Các câu hỏi giải quyết vấn đề cũng giúp phát triển kỹ năng suy nghĩ rất nhiều. Nếu bạn muốn các học viên của mình học và áp dụng được nhiều hơn sau khóa học, hãy chắc chắn rằng các nội dung bạn cung cấp là cần thiết và dễ nhớ. Hãy cân nhắc về khối lượng thông tin đã chia sẻ và cách thức bạn đưa chúng đến với người học.


Cloud-based education management platform

Cloud-based education management platform

Vui lòng đê lại thông tin, tư vấn viên của chúng tôi sẽ  liên hệ trong thời gian sớm nhất.

Chân thành cảm ơn!