Sức ép do lạm phát vừa tạm lắng thì cuối năm 2008, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại phải đối phó với những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều DN mất đơn hàng, sản xuất đình trệ, thậm chí bên bờ vực phá sản.


Trước tình hình này, Chính phủ đã có những giải pháp linh hoạt, nhằm cấp bách chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Miễn, giãn, giảm thuế cho DN nhỏ và vừa (NVV) là một trong những giải pháp đã được triển khai. Đây là tin vui cho các DN trong những ngày đầu năm 2009.

 

Nhiều chính sách ưu đãi về thuế của Chính phủ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kịp thời trợ giúp doanh nghiệp

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 349.300 DN, trong đó hơn 95% là các DNNVV. Khối DN này được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế với việc sử dụng 50,13% lao động, nộp ngân sách chiếm 17,64% và đóng góp 40% GDP. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam còn hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ… Những khó khăn dồn dập ập đến đã tác động tiêu cực đến từng DN. Điều tra của Hiệp hội DNNVV cho thấy, 20% DN đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Khoảng 60% DN rơi vào tình trạng sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất. Chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khó khăn.

Ngay từ cuối năm 2008, Chính phủ đã có Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, cấp bách đưa ra những giải pháp nhằm chặn đà suy giảm kinh tế và duy trì mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, Chính phủ chủ trương giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giãn thời gian nộp thuế, tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với hàng hóa xuất khẩu, tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Thực hiện chủ trương này, ngày 13-1, Bộ Tài chính đã cùng lúc ban hành 3 thông tư quan trọng, hướng dẫn việc thực hiện giãn, giảm và hoàn thuế cho DN. Theo Thông tư số 03/2009/TT-BTC, các DNNVV có vốn điều lệ không quá 10 tỷ đồng; có số lao động sử dụng bình quân trong quý IV-2008 không quá 300 người, sẽ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý IV-2008 và số thuế TNDN phải nộp năm 2009, đồng thời được giãn nộp thuế 9 tháng. Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 04/2009 hướng dẫn thực hiện hoàn 90% số thuế đầu vào cho DN xuất khẩu trong vòng 7 ngày. Tại Thông tư 05/2009, Bộ Tài chính đã hướng dẫn giãn thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu, cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đây là những sự trợ giúp quan trọng đối với DN, nhất là các DNNVV.

Hơn 100.000 DN được ưu đãi thuế

Theo ông Phạm Văn Huyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ước tính sẽ có khoảng hơn 100.000 DN được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ. Ông cũng cho biết, số tiền hỗ trợ DN thông qua việc giảm 30% thuế TNDN (trong quý IV-2008 và cả năm 2009) sẽ lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ thực hiện giãn, giảm thuế cho DN sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Nhưng về lâu dài, chính sách giảm thuế sẽ tăng cường nguồn vốn cho DN tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh và giúp bồi dưỡng nguồn thu.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN cho rằng, việc hỗ trợ DN bằng chính sách giãn, giảm thuế phải là giải pháp toàn diện, nhưng khi thực hiện cần có trọng tâm. Hiện nay có đến 96% DN thuộc đối tượng DNNVV. Do vậy, nên tập trung ưu tiên cho những DN sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng hoặc những mặt hàng không xuất khẩu được phải chuyển vào tiêu dùng trong nội địa. Đây là nhóm DN khó khăn nhất và cần được tiếp sức sớm nhất. Nếu chính sách giảm thuế sớm đến được với các DN này, chắc chắn sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị, chính sách miễn giảm thuế TNDN đã được ban hành song nếu quy trình, thủ tục phức tạp sẽ khiến DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Vì vậy, việc đơn giản thủ tục hành chính cũng rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Ông cũng đề xuất, nên cân nhắc việc tăng thuế nhập khẩu những mặt hàng đang có nguy cơ mất thị trường để giảm thiểu những khó khăn cho DN.

(Theo HN


TAGS:

Cloud-based education management platform