1.Mô hình học trực tuyến đã có gần 30 năm lịch sử

Nhiều người cho rằng E-learning là phương pháp học tập mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Trên thực tế, mô hình học tập này đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng chỉ thực sự được nhiều người biết đến từ năm 2010.

Khóa học trực tuyến đầu tiên được một học viên thuộc trường Đại học John F. Kennedy (California, Hoa Kỳ) đưa ra. Đó là khóa học dựa trên công nghệ Web vào năm 1986. Năm 1999, Blackboard và E-college ra đời. Hiện nay, E-learning phát triển không đồng đều tại các khu vực trên thế giới, phát triển mạnh nhất ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

2. Kết quả học trực tuyến không hề thua kém học truyền thống

Đặc điểm nổi bật của học trực tuyến là cho phép người học có thể tiếp thu kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Chính sự thuận tiện này của đào tạo trực tuyến dẫn đến việc nhiều người nghĩ rằng đây là cách học “dễ dàng” và ít chịu sự đánh giá.

Những tiến bộ trong công nghệ thông tin hiện nay đã tăng cường sự giám sát của giáo viên cũng như nâng cao chất lượng của các chương trình học online. E-learning có thể kết hợp các công nghệ hiện đại để hỗ trợ việc giảng dạy.

3. Học tập trực tuyến đang ngày càng lan rộng

Học trực tuyến đang trở thành phương pháp học tập phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều trường đại học và các nhà cung cấp dịch vụ đã thay đổi cách tiếp cận, nhân rộng mô hình này và cố gắng gần gũi hơn với những người theo học. Một nghiên cứu được tiến hành bởi tổ chức Babson Survey Research Group đã cho thấy có trên 7 triệu sinh viên đăng ký tham gia học trực tuyến vào năm 2013. 80% các tổ chức và trường đại học của Mỹ hiện nay đang cung cấp các khóa học trực tuyến, các trường đại học hàng đầu như Đại học Harvard , Đại học California – Berkeley và Đại học Chicago không nằm ngoài danh sách này.

FutureLearn, một trang cung cấp các khóa học trực tuyến ở Anh, là đối tác của 37 trường đại học của Anh, Hội đồng Anh và thư viện Anh. Theo Giáo sư Mike Sharples của Đại học Mở (OU), cộng tác với FutureLearn, OU có hơn 200.000 sinh viên theo học, là điển hình xuất sắc của mô hình học trực tuyến.

4. Không có hình thức cố định của mô hình học trực tuyến

Không có hình thức cố định cho mô hình học trực tuyến. Học trực tuyến phát triển từ hình thức đơn giản nhất như các khóa học qua thư điện tử cho tới các dịch vụ đa phương tiện phong phú có khả năng tương tác cao. Hiện nay các chương trình học trực tuyến thường cung cấp các bài giảng trực tiếp, các video hướng dẫn cùng nhiều ứng dụng khác để người học có thể tiếp nhận kiến thức hiệu quả nhất. Học viên cũng có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên thông qua các phần mềm chat, forum,…

5. E-learning trở thành xu hướng trong đào tạo đại học liên thông, văn bằng hai

Học liên thông, văn bằng hai là nhu cầu ngày càng lớn trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện và thời gian để theo học các chương trình học truyền thống thường được tổ chức vào buổi tối hoặc cuối tuần. Giải pháp học trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi tính linh hoạt về thời gian, địa điểm. Phương pháp học này giúp những người đi làm bận rộn vẫn đảm bảo được mục tiêu học tập lại vừa có thể làm việc và chăm sóc gia đình.

Với 80% thời lượng học qua mạng, người học có thể tận dụng thời gian ngoài giờ làm việc học trên điện thoại, máy tính… với các bài giảng đa phương tiện; 1 – 2 tháng lên lớp 1 lần để học tập trung hoặc thi hết môn. Sinh viên tự học kiến thức ở nhà với giáo trình và các bài giảng, buổi học tập trung dành để trao đổi, thảo luận và chia sẻ tình huống thực tế với sự hỗ trợ, tư vấn của giảng viên.

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc Tài chính, Tập đoàn HiTek (Mỹ), giảng viên của một trung tâm đào tạo trực tuyến chia sẻ: “Với tôi, việc tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho sinh viên là niềm tự hào và hạnh phúc. Công việc này cho tôi cơ hội chia sẻ bí quyết, bài học trên con đường chinh phục thành công từ những trải nghiệm thực tế của bản thân”.



Cloud-based education management platform