MỘT SỐ KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI E-LEARNING TẠI VIỆT NAM
25/06/2020
Chia sẻ bài viết
KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI E-LEARNING TẠI VIỆT NAM
Về xây dựng nguồn tài nguyên bài giảng
Để soạn bài giảng e-learning có chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức của giảng viên. Hiện nay chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với công sức bỏ ra để soạn bài giảng e-learning, vì vậy chưa khuyến khích được giảng viên. Đời sống của giảng viên nhiều khó khăn, áp lực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục… hậu quả là giảng viên không có thời gian đầu tư cho e-learning. Nhiều giảng viên giỏi về chuyên môn và khả năng sư phạm, sử dụng phần công nghệ (ghi hình, thu âm, phần mềm) còn hạn chế nên chưa phát huy được đội ngũ này.
Về phía người học
Học tập theo phương pháp E-Learning đòi hỏi người học phải có tinh thần tự học, do ảnh hưởng của cách học thụ động truyền thống, tâm lí học phải có thầy (không thầy đố mày làm nên), nội dung quá tải tại trường… dẫn đến việc tham gia học E-Learning chưa trở thành động lực học tập. Nhiều sinh viên nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, chưa thể trang bị máy vi tính kết nối Internet, nhiều thông tin trên mạng Internet dẫn đến gia đình lo lắng khi con em mình vào mạng cũng là lí do hạn chế E-Learning.
Về cơ sở vật chất
Đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đường truyền cáp quang, xây dựng Website trường học và Website E-Learning hoàn chỉnh chi phí cao, nếu không tận dụng hết khả năng của Web sẽ gây lãng phí.
Về nhân lực phục vụ Website E – Learning
Cần có cán bộ chuyên trách phục vụ sự hoạt động của hệ thống E-Learning. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại chưa có cơ hế hoạt động này ở các trường.
* ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
1/ Về nhận thức: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở giáo dục cần xác định E-Learning là một chiến lược trong giáo dục mới hướng tới xã hội học tập. Cần triển khai, tuyên truyền, nhân rộng E-Learning không chỉ có ngành giáo dục mà còn với toàn xã hội. Bộ và các trường tăng cường hợp tác doanh nghiệp trong việc xây dựng các Website E-Learning của các nước.
2/ Tăng cường tập huấn về phương pháp, kĩ năng, sử dụng tổng hợp nhiều hợp phần để tạo bài giảng E-Learning.
3/ Đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho giảng viên trong việc tạo bài giảng.
4/ Các trường phổ hướng đến online hóa trường học bao gồm online về quản lí, điều hành, tác nghiệp và online về dạy học. Website trường học phải trở thành địa chỉ thân thiện với cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên. Hướng dẫn phương pháp tự học, học tập và trao đổi qua mạng cho người học. Đây là kĩ năng cần thiết để học tập ở các trường ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
5/ Vai trò của giảng viên là rất quan trọng trong việc triển khai E-Learning. Vì vậy, giảng viên không chỉ nắm bắt được phương pháp học tập mà còn là người tạo ra bài giảng phục vụ cho giảng dạy, các bài giảng E-Learning phục vụ cho tự học của người học. Phải có hình thức đào tạo đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại nhất: như có khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học, có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, và quan trọng hơn cả là năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học. Vì đó là nền tảng quan trọng để người giảng viên không bị tụt hậu so với thời đại.
Như vậy, E-Learning có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp dạy học truyền thống, tạo ra được một môi trường rất tốt phục vụ cho phương pháp dạy học tương tác, cá nhân hóa người học. Tuy vậy, với những nhược điểm nêu trên, E – Learning cũng không phải là một giải pháp hoàn hảo và cũng không thể thay thế hoàn toàn phương pháp học truyền thống.
Vì vậy, một giải pháp kết hợp là sử dụng E – Learning và những phương pháp giảng dạy truyền thống song song. Người học có thể thực hiện mọi hoạt động học tập có thể trên E-Learning, tham gia như đang học trên một khóa học thực sự. Trừ giờ thực hành, thí nghiệm sẽ phải lên phòng thí nghiệm để tiếp cận thực sự với công việc. Ngoài ra, có thể gặp giảng viên trong một số buổi để thảo luận, trao đổi và giải quyết một số vấn đề nhằm mục đích rèn luyện kĩ năng giao tiếp xã hội.
E-Learning đang là xu hướng chung của giáo dục thế giới. Việc triển khai E-Learning trong giáo dục đào tạo là một xu hướng tất yếu nhằm đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với giáo dục thế giới.
Nguồn: http://via.org.vn/