LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC CHO HỌC VIÊN TRỰC TUYẾN?
25/06/2016
Chia sẻ bài viết
Bạn có thể đưa rất nhiều kiến thức vào nội dung khóa học nhưng không thể thực sự kiểm soát việc tiếp thu của người khác. Bản thân người học quyết định những gì họ học được và đa phần điều đó phụ thuộc vào mức độ quyết tâm và các động cơ thúc đẩy họ. Bạn cần tìm hiểu những gì có thể thúc đẩy họ và sử dụng những yếu tố đó để thu hút họ vào khóa học.
Thông thường, con người được khuyến khích khi việc học của họ có ý nghĩa thực tế và phục vụ trực tiếp cho bản thân họ. Ví dụ, nếu một nhân viên hiểu rằng việc tham gia và hoàn thành tốt một khóa học đồng nghĩa với việc được tăng thu nhập, anh ta sẽ hào hứng hơn trong việc tham gia và sẽ cố gắng hoàn thành tốt khóa học đó. Dưới đây là một số gợi ý về những phương pháp đơn giản nhất.
ĐẢM BẢO RẰNG KHÓA HỌC CỦA BẠN CÓ GIÁ TRỊ THỰC TIỄN
Trước khi tham gia bất cứ khóa học nào, người học đều muốn biết chúng có những lợi ích gì. Có rất nhiều học viên trực tuyến không nhận thức được giá trị to lớn của khóa học vì họ không thực sự gắn bó hoặc không hoàn thành nó. Nếu đó là một khóa học bắt buộc thì nhiều người thậm chí còn tìm cách “tua” qua các nội dung một cách nhanh nhất mà không hề tiếp thu các thông tin trong đó. Để tránh những trường hợp không mong muốn này, hãy mang những giá trị thực tiễn vào khóa học của bạn và giúp người học nhận thức rõ được những giá trị đó. Tìm cách thuyết phục các học viên rằng họ cần tham gia vào khóa học vì nó thực sự có ý nghĩa đối với công việc và cuộc sống của họ.
GIÚP NGƯỜI HỌC HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC HIỆU QUẢ HƠN
Điều này có liên quan chặt chẽ với luận điểm trên. Khóa học của bạn phải có giá trị thực tiễn và phục vụ thích hợp cho công việc hay nhu cầu của người học. Học viên sẽ tích cực tham gia và chú ý nhiều hơn khi họ hiểu rằng các kiến thức thu được sẽ giúp họ làm việc tốt và hiệu quả hơn. Nhiệm vụ của bạn là kết nối học viên với nội dung khóa học. Các trường hợp, tình huống cụ thể sẽ có tác dụng rất lớn. Khi tham gia một khóa học về kỹ năng làm việc, thay vì chỉ liên tục đọc về các nội dung lý thuyết, người học sẽ cảm thấy hào hứng hơn nhiều nếu họ được đặt vào các tình huống cụ thể tương tự với những công việc họ phải giải quyết hay những thách thức họ phải vượt qua ở nơi làm việc. Điều này sẽ giúp người học thực sự hiểu những kiến thức được học và quan trọng hơn, biết cách áp dụng chúng vào thực tế.
XÁC LẬP CÁC MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỤ THỂ CHO TỪNG KHÓA HỌC
Mọi người đều có xu hướng lưỡng lự trước những gì họ không biết, không hiểu, hoặc nếu họ không chắc chắn về những điều cần làm. Ngược lại, một khi có mục tiêu rõ ràng, họ sẽ nhiệt tình gắn bó với khóa học hơn. Hãy giới thiệu ngắn gọn nhưng rõ ràng, rành mạch về những gì người tham gia sẽ học, sẽ làm, vì sao họ cần những điều đó và kết quả có được ra sao. Bên cạnh những tiêu chuẩn và yêu cầu cụ thể, hãy chắc chắn rằng học viên đã biết cách “vận hành” khóa học thành thục (các chức năng, các phím bấm, màn hình…). Đừng làm mất sự thuận tiện và thoải mái của người học khi thiết kế quá nhiều chức năng phức tạp hay một màn hình quá rắc rối. Một trong những cách dễ làm nản chí người học nhất là khiến họ rối tung lên vì không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Đây chắc chắn là điều bạn không hề mong muốn.
CHO HỌ BIẾT RẰNG HỌ ĐÃ SAI
Các cuộc tranh luận có thể thu hút sự chú ý của mọi người và là một cách tốt để thúc đẩy người khác. Hãy thách thức những gì một người tin tưởng, hoặc thậm chí phủ nhận những điều đó, và bạn sẽ thấy anh ta quyết tâm ra sao để chứng minh điều ngược lại. Tất nhiên, cách tiếp cận này cần được thực hiện dựa trên mức độ hợp lý và những lý lẽ thông thường. Bạn có thể đưa ra một loạt ý kiến hay quan niệm khác nhau về một vấn đề và lần lượt phân tích chúng. Tập trung vào việc tranh luận, thách thức các quan điểm của học viên, buộc họ phải suy nghĩ để bảo vệ các luận điểm của mình. Một cách khác là đưa ra những khẳng định, những kết luận quá rộng, quá chung chung và yêu cầu người học trình bày các ý kiến của mình (đồng ý hay phản đối) với lý do và ví dụ cụ thể. Kiểu luyện tập này có thể được triển khai dưới hình thức thảo luận nhóm trong nghiên cứu tình huống.
TẶNG THƯỞNG CHO CÁC HỌC VIÊN
Con người thường được khích lệ bởi phần thưởng. Hãy suy nghĩ và tìm hiểu xem phần thưởng nào thích hợp với người học của bạn và đưa nó vào chương trình. Đưa ra những yêu cầu và tiêu chí cụ thể về thời gian và mức độ khen thưởng. Phần thưởng không nhất thiết phải là các tặng vật cụ thể mà có thể là những thứ đơn giản hơn như lời khen, lời khích lệ hay sự khẳng định. Các bằng cấp và chứng chỉ cũng có thể là những phần thưởng thích hợp nếu chúng thực sự thể hiện được mức độ xuất sắc của người tham gia. Điểm chính trong cách làm này là gắn kết với người họ và tìm cách khiến họ khao khát đạt được thành quả cao hơn. Có rất nhiều điều phải cân nhắc khi xây dựng một khóa học trực tuyến, và các phương pháp thúc đẩy động cơ học tập của học viên là một trong những việc bạn cần suy tính kỹ. Những việc làm cụ thể lại phụ thuộc vào khóa học và các nguồn lực sẵn có của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tìm ra những cách thực sự có tác dụng với từng đối tượng người học và sử dụng chúng để khuyến khích họ. Những người được khích lệ sẽ học tập hiệu quả hơn.